"Tốt khoe xấu che" có thực sự tốt cho ứng viên trong buổi phỏng vấn?
"Tốt khoe, xấu che" là một trong những cách thức được sử dụng phổ biến của các ứng viên trong các buổi phỏng vấn. Họ thường sẽ miêu tả rất nhiều về những thành tựu, nhưng lại hạn chế và né tránh về những sai sót. Vậy, điều này có thực sự hiệu quả trong mắt nhà tuyển dụng? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Anne
Trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, người tìm việc luôn tìm kiếm những chiến lược, cách thức hiệu quả để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và tạo sự khác biệt so với những ứng viên khác. Một trong những chiến lược phổ biến nhất là "tốt khoe xấu che".
Tuy nhiên, liệu "tốt khoe xấu che" có thực sự mang lại lợi ích cho người tìm việc hay không? Đây là một câu hỏi đáng suy ngẫm, vì chiến lược này không chỉ ảnh hưởng đến cách mà nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên mà còn tác động đến chính họ trong quá trình chuẩn bị và thực hiện phỏng vấn. Hãy cùng Đúng Người Đúng Việc tìm hiểu để biết được câu trả lời nhé!
- "Tốt khoe, xấu che" là gì trong buổi phỏng vấn?
Đây là chiến lược mà người tìm việc sử dụng để nhấn mạnh các điểm mạnh, thành tựu và kỹ năng nổi bật của mình, đồng thời cố gắng che giấu hoặc làm giảm bớt những điểm yếu, thất bại hay những khía cạnh tiêu cực trong quá khứ công việc. Cụ thể:
"Tốt khoe": Nâng tầm bản thân hiệu quả
- Điểm mạnh tỏa sáng: Nhấn mạnh những điểm mạnh, thành tựu nổi bật và kỹ năng chuyên môn liên quan đến vị trí ứng tuyển. Sử dụng ví dụ cụ thể, số liệu ấn tượng để minh họa cho hiệu quả công việc.
- Kinh nghiệm dày dặn: Liệt kê các kinh nghiệm làm việc, dự án thành công đã tham gia, thể hiện khả năng đáp ứng yêu cầu công việc và đóng góp cho sự phát triển của công ty.
- Học hỏi không ngừng: Nêu bật tinh thần học hỏi, ham phát triển bản thân qua các khóa học, chứng chỉ liên quan, cho thấy tiềm năng phát triển và thích ứng với môi trường mới.
"Xấu che": Khéo léo giấu đi khuyết điểm
- Tránh nhắc đến thất bại hoặc sai lầm: Nếu có, chỉ đề cập đến những lỗi nhỏ không đáng kể hoặc những sai lầm đã được khắc phục hoàn toàn.
- Làm giảm bớt tầm quan trọng của các khuyết điểm: Khi được hỏi về điểm yếu, ứng viên thường chọn những điểm yếu không quan trọng hoặc đã được cải thiện để giảm bớt ấn tượng tiêu cực.
- Khoảng trống thời gian: Giải thích hợp lý về những khoảng trống trong CV, ví dụ: theo học chuyên môn cao, tham gia hoạt động tình nguyện, hoặc dành thời gian cho gia đình.
- Mặt trái của việc phóng đại tích cực & giấu nhẹm tiêu cực
Mặc dù "tốt khoe xấu che" có thể giúp bạn mang lại ấn tượng tuyệt vời bởi kỹ năng chuyên môn cao & tốt chất vô cùng sáng giá. Tuy vậy, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và hạn chế đáng kể:
Mất lòng tin - Hậu quả khó lường: Có thể giai đoạn ban đầu, nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng với bạn, tuy nhiên, nếu họ phát hiện ứng viên che giấu hoặc làm sai lệch thông tin, họ sẽ mất đi lòng tin và loại bỏ ứng viên khỏi quá trình tuyển dụng. Hành động thiếu trung thực này để lại ấn tượng tiêu cực, ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Hạn chế cơ hội phát triển: Việc che giấu điểm yếu khiến nhà tuyển dụng không thể đánh giá chính xác năng lực của bạn, dẫn đến việc bố trí công việc không phù hợp & sẽ thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn để phát triển.
Áp lực duy trì hình ảnh: Vẻ ngoài hoàn hảo tạo áp lực cho ứng viên, khiến họ luôn đề cao cảnh giác và lo lắng bị phát hiện. Hơn nữa, họ có thể cảm thấy mệt mỏi vì phải duy trì hình ảnh không đúng với bản thân, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
- "Che" sao để được đánh giá cao?
Nếu bạn vẫn cảm thấy bạn tự tin với cách diễn đạt "tốt khoe, xấu che" thì cần phải che một cách khéo léo & trung thực để vừa được đánh giá cao, vừa được chỉ bảo thêm, cụ thể, hãy thể hiện:
- Thái độ cầu tiến: Thay vì né tránh, hãy thể hiện thái độ cầu tiến khi đối mặt với điểm yếu. Đừng tập trung nhấn mạnh điểm yếu mà hãy nêu rõ cách bạn đang nỗ lực khắc phục và cải thiện bản thân mỗi ngày để họ có thể thấy được bạn không phải là người chịu sống chung với thiếu sót.
- Bài học kinh nghiệm: Chia sẻ những thất bại trong quá khứ như bài học quý giá để học hỏi và phát triển, thể hiện khả năng thích nghi và vượt qua khó khăn. Đừng quá đặt nặng việc bạn sẽ bị "lộ" khuyết điểm, vì không ai là hoàn hảo cả, miễn là bạn có trải nghiệm & kinh nghiệm quý báu từ thất bại đó.
Hãy nhớ rằng, sự trung thực là nền tảng cho một mối quan hệ lâu dài và thành công trong sự nghiệp, do đó, đừng dùng "nghệ thuật để tạo ra ánh trăng lừa dối" cho sự nghiệp của mình nhé!
Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động tham khảo nhanh hàng trăm cơ hội công việc mới nhất trên thị trường tại: https://dungnguoidungviec.com/tin-tuyen-dung
Đúng Người Đúng Việc - Nền tảng tìm việc thụ động