Khi Nhân Viên Giỏi Nhất Rời Đi, Liệu Công Ty Có Rơi Vào Lao Đao?
Khi bạn là ngôi sao sáng giá của công ty, có phải bạn sẽ là người "có giá" & công ty phải chiều theo những yêu cầu của bạn? Hay bạn sẽ gặp tình trạng "vắng mợ chợ vẫn đông'"? Hãy cùng tìm hiểu dưới bài viết này nhé!
Anne
Trong thời đại ngày nay, với sự bùng nổ của tri thức và công nghệ, không khó để bắt gặp những bạn trẻ tài năng, phát triển nhanh chóng và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Họ thường nắm giữ những vị trí quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui sướng và tự hào, một câu hỏi luôn khiến nhiều nhà lãnh đạo trăn trở: Liệu khi những nhân viên giỏi này rời đi, công ty có lao đao hay không? Liệu sự phát triển của công ty có bị ảnh hưởng? Hãy cùng Đúng Người Đúng Việc tìm hiểu về vấn đề này nhé!
- Khi nhân viên giỏi rời đi, công ty liệu có "ổn"?
Thành thật mà nói, sau khi nghỉ việc, bạn sẽ trở thành một "kỷ niệm". Đây cũng là quan điểm của rất nhiều người, đặc biệt là những quản lý. Nó là một thực tế mà nhiều người, đặc biệt là những người mới bắt đầu đi làm, thường không muốn thừa nhận: Sau khi bạn nghỉ việc, bạn có thể sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Dù bạn đã cống hiến bao nhiêu cho công ty, dù bạn đã đóng góp gì cho sự phát triển chung, bạn chỉ là một phần nhỏ trong cỗ máy vận hành khổng lồ của tổ chức.
Nhiều người nhầm tưởng rằng họ là "người không thể thay thế" ở nơi làm việc. Việc bạn giỏi không có nghĩa là bạn có quyền khiến công ty phải chiều theo những yêu cầu của bạn, bởi đây là sự tương tác giữa cả hai bên để cùng phát triển. Chuyên môn giỏi cộng với sự hòa hợp ở nơi làm việc mới là đích đến tốt nhất. Nếu bạn cảm thấy thiếu mình, công ty sẽ lao đao và họ sẽ không dám cho mình nghỉ, thì bạn cần biết một sự thật phũ phàng là: công ty và tổ chức sẽ luôn tiếp tục phát triển và thích nghi. Vị trí của bạn sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi một người khác, và những gì bạn đã làm sẽ dần trở thành ký ức.
Điều này không có nghĩa là những đóng góp của bạn không quan trọng. Mỗi cá nhân đều góp phần tạo nên thành công chung của công ty. Tuy nhiên, nó là lời nhắc nhở rằng chúng ta cần trân trọng những khoảng thời gian làm việc, cống hiến hết mình cho công việc nhưng cũng đừng quá ảo tưởng về vị trí của bản thân.
- Vậy, có phải công ty không cần lo lắng về việc thiếu nhân tài?
Đương nhiên, việc công ty để tuột mất nhân tài cũng không hoàn toàn là lý do xuất phát từ nhân viên. Do đó, họ cũng cần phải xem xét lại về phía công ty, để xem họ có thiếu sót gì về chính sách đãi ngộ, lương thưởng hay môi trường làm việc khiến nhân tài không có đất dụng võ hay không.
Việc để người lao động thâm niên ra đi đối với 1 doanh nghiệp mà nói là sự mất mát bởi họ đã đánh mất người lao động có "Kiến thức mang lại doanh thu" hay còn gọi là Institutional Knowledge. Kiến thức này, với người mới nhanh nhất cũng mất hơn 1 tới 2 năm mới có thể "master" được tùy vào khả năng nhận thức và độ thích ứng của mỗi người khác nhau, đó là dành cho người thực sự có độ thích ứng cao. Và đồng thời phải kể đến chi phí để tuyển dụng cũng rất cao, chưa kể đến chi phí đào tạo và chế độ liên quan.
- Đâu là giải pháp tối ưu cho vấn đề này?
Để có thể có được sự hòa hợp giữa nhân viên giỏi & công ty, giải pháp cần có ở cả hai bên, cụ thể:
Đối với nhân viên giỏi
- Giao tiếp cởi mở và minh bạch: Nhân viên cần giao tiếp cởi mở và minh bạch với công ty, cũng như teammate của mình về công việc, định hướng rõ ràng, tránh việc hiểu lầm, thiếu thông tin dẫn đến mâu thuẫn trong môi trường làm việc.
- Biết khiêm nhường & lịch sự: Dù bạn có giỏi đến đâu, thái độ kiêu ngạo và thiếu tôn trọng sẽ khiến bạn trở thành người khó hợp tác và tạo ra bầu không khí tiêu cực cho mọi người xung quanh. Do đó, bạn cũng cần khiêm nhường để học hỏi những điều hay từ người khác.
Đối với doanh nghiệp:
- Công ty cũng có trách nhiệm ghi nhận và sử dụng đúng năng lực của nhân viên: Công ty nên trân trọng những nhân viên tài năng và tạo điều kiện để họ phát huy hết tiềm năng của mình. Việc ghi nhận đúng và sử dụng đúng năng lực của nhân viên sẽ giúp họ cảm thấy được tôn trọng, được cống hiến và gắn bó lâu dài với công ty.
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trân trọng nhân tài: Doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, đề cao sự tôn trọng và công bằng, thu hút và giữ chân nhân tài.
- Lập kế hoạch dự phòng: Phát triển kế hoạch kế thừa cho các vị trí quan trọng, xác định nhân viên tiềm năng và đào tạo họ để đảm nhận vị trí khi cần thiết.
Bằng sự thay đổi từ hai phía theo những giải pháp trên, cả người lao động và doanh nghiệp đều có thể đạt được lợi ích chung và cùng nhau phát triển bền vững.
Hãy nhớ rằng, nguồn nhân lực chính là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần trân trọng và đầu tư vào nguồn nhân lực để tạo dựng lợi thế cạnh tranh và đạt được thành công.
Ngoài ra, nếu bạn là một ứng viên tài năng & đang cần tìm việc, mời bạn tham khảo nhanh hàng trăm cơ hội công việc mới nhất trên thị trường tại: https://dungnguoidungviec.com/tin-tuyen-dung
Đúng Người Đúng Việc - Cộng đồng tìm việc miễn phí