Cách Gây Ấn Tượng Khi Trả Lời Phỏng Vấn Với Mô Hình STAR
Muốn chinh phục nhà tuyển dụng, ứng viên phải có chiến thuật “đáp trả” bẫy câu hỏi một cách thông minh. Phương pháp STAR chính là "ngôi sao hi vọng" của bạn.
Anne
Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng khi đặt câu hỏi cho ứng viên, nhà tuyển dụng muốn nghe những thông tin gì trong câu trả lời hay chưa? Đã bao giờ bạn cảm thấy mình trả lời rất trôi chảy và nhiệt huyết, nhưng phản ứng của nhà tuyển dụng lại không như mong đợi của bạn? Chắc chắn rằng, nếu chỉ tập trung vào kể chuyện hoặc chỉ tập trung vào một điểm thông tin nhỏ trong câu hỏi thì bạn sẽ rất dễ mất điểm khi phỏng vấn. Do đó, mô hình STAR sẽ là chìa khóa cứu cánh, giúp câu trả lời của bạn trở nên logic và chuyên nghiệp hơn.
- Mô hình STAR là gì?
Mô hình STAR là một kỹ thuật phỏng vấn phổ biến được sử dụng trong lĩnh vực nhân sự và quản lý nhân sự. 4 chữ cái trong mô hình lần lượt là:
- Tình huống (Situation): Phần này trình bày một bối cảnh cụ thể từ quá khứ - thời gian mà ứng viên đã đối mặt với một thách thức hoặc tình huống đặc biệt.
- Nhiệm vụ (Task): Xác định rõ ràng mục tiêu hoặc nhiệm vụ mà ứng viên cần hoàn thành trong tình huống đó.
- Hành động (Action): Miêu tả các bước cụ thể, những hành động mà ứng viên đã thực hiện để giải quyết tình huống.
- Kết quả (Result): Nêu ra kết quả cuối cùng của hành động mà ứng viên đã thực hiện.
Mô hình STAR hỗ trợ ứng viên xây dựng câu chuyện có cấu trúc, sự chi tiết và logic. Nhờ đó, nhà tuyển dụng có cái nhìn rõ ràng hơn về khả năng của ứng viên trong việc giải quyết vấn đề và xử lý tình huống trong công việc.
- Đặc điểm của từng yếu tố trong mô hình STAR
Tình huống (Situation): Đối với yếu tố này, trong câu trả lời của bạn phải có những đặc điểm sau:
- Miêu tả chi tiết: Đối với phần này, bạn cần mô tả một tình huống cụ thể và những chi tiết quan trọng trong quá khứ, liên quan đến môi trường làm việc hoặc những vấn đề xoay quanh dự án mà bạn tham gia.
- Nêu rõ bối cảnh: Thông tin về địa điểm, thời gian và bối cảnh của tình huống, giúp người nghe hiểu rõ hơn về tình hình.
Nhiệm vụ (Task): Để nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ được vai trò của bạn trong dự án/công việc đó, bạn cũng cần phải làm rõ mục này với:
- Sự rõ ràng và cụ thể: Bạn nên nêu rõ về mục tiêu, nhiệm vụ một cách rõ ràng nhất, thông tin ngắn gọn nhưng đầy đủ và dễ hiểu.
Hành động (Action): Khi mô tả các hành động cụ thể để giải quyết vấn đề, cần có yếu tố:
- Kỹ năng và chiến lược: Ứng viên cần chia sẻ những kỹ năng cụ thể và chiến lược mà mình đã áp dụng, giúp nhà tuyển dụng đánh giá được tư duy, khả năng giải quyết vấn đề.
Kết quả (Result): Khi mô tả kết quả cuối cùng, cần nêu ra
- Kinh nghiệm và thay đổi: Sau đó, ứng viên cần nêu rõ những kinh nghiệm và sự thay đổi của mình khi đã trải qua các vấn đề hoặc tình huống trong quá khứ. Dựa vào thông tin này, nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ khả năng học hỏi của ứng viên, cách họ ứng xử sau khi đối mặt với thách thức.
- Ví dụ trả lời phỏng vấn bằng mô hình STAR
Câu hỏi: Hãy kể về một lần bạn thực hiện tốt công việc dưới áp lực lớn
[S] Trong dự án tái cấu trúc danh mục đầu tư của công ty, tôi đảm nhận vai trò chính trong việc phân tích các tài sản hiện có và đề xuất các điều chỉnh chiến lược đầu tư.
[T] Trong quá trình phân tích, tôi phát hiện rằng một số khoản đầu tư không đạt được lợi nhuận dự kiến và cần phải điều chỉnh hoặc loại bỏ khỏi danh mục. Trong khi đó, thời gian để hoàn thành dự án chỉ có 2 tuần và đồng thời, tôi phải thực hiện các cuộc họp với các bộ phận khác để hiểu rõ hơn về mục tiêu và yêu cầu của họ đối với danh mục đầu tư.
[A] Để giải quyết tình huống này, tôi đã tận dụng mạng lưới liên kết nội bộ của mình để tăng cường thông tin và hỗ trợ từ các bộ phận khác trong công ty. Tôi cũng sử dụng kỹ năng phân tích và tư duy logic để nhanh chóng đưa ra các đề xuất cụ thể về việc điều chỉnh danh mục đầu tư và lập kế hoạch thực hiện trong thời gian ngắn.
[R] Kết quả là dự án được hoàn thành đúng hạn và các điều chỉnh chiến lược đầu tư đã được triển khai một cách hiệu quả. Việc này giúp công ty tối ưu hóa lợi nhuận và giảm rủi ro trong danh mục đầu tư của mình, đồng thời tăng cường niềm tin từ phía cổ đông và nhà đầu tư.
Trên đây là những thông tin và ví dụ cụ thể về mô hình STAR để các bạn có thể tham khảo cho câu trả lời của mình khi phỏng vấn. Hi vọng bạn đã có được những gợi ý hữu ích từ bài viết này để có thể trả lời hiệu quả trong quá trình tìm việc.
Tham khảo nhanh hàng trăm cơ hội công việc mới nhất trên thị trường tại: https://dungnguoidungviec.com/tin-tuyen-dung
Đúng Người Đúng Việc - Cộng đồng tìm việc miễn phí